Bỏng hay phỏng là một chấn thương rất thường hay xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tùy vào các cấp độ bỏng khác nhau mà vết thương bỏng có thể không gây tổn thương nhiều, gây tổn thương nặng hoặc thậm chí gây tử vong.
Trong tương lai, bệnh nhân bỏng không còn phải lo lắng khi điều trị nhờ phương pháp mới, sử dụng súng bắn tế bào gốc... vừa nhanh, không đau lại không có sẹo.
Bỏng là gì?
Bệnh bỏng hay phỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt, điện, hóa chất, ma sát, hay bức xạ. Bệnh bỏng không đơn thuần chỉ là cảm giác nóng rát, bỏng có thể là tổn thương da nghiêm trọng làm cho các tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi.
Hậu quả của bỏng: da là lớp đầu tiên bảo vệ cơ thể và bỏng có thể phá hủy sự bảo vệ đó. Tất cả các loại bỏng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng hay gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng.
Phân loại độ nặng của bỏng
Bỏng nông:
-
Bỏng độ I: Viêm da cấp vô khuẩn.
-
Bỏng độ II: Bỏng biểu bì.
-
Bỏng độ III: Bỏng trung bì.
Bỏng sâu:
-
Bỏng độ IV: Bỏng toàn bộ lớp da.
-
Bỏng độ V: Bỏng các lớp sâu dưới lớp cân nông.
Bỏng sâu tức bỏng từ độ IV trở lên cần phẫu thuật ghép da.
Triệu chứng bỏng
Các triệu chứng phổ biến của bỏng bao gồm:
Bỏng độ I: đỏ da, viêm nhẹ hoặc sưng, đau, da khô, bong tróc khi lành vết bỏng
Bỏng độ II: xuất hiện bóng nước, sau đó da rất đỏ và đau. Một số bóng nước vỡ làm cho vết thương trông rất ướt. Theo thời gian, mô dạng vảy mềm và dày (dịch tiết sợi huyết) có thể phát triển trên vết thương
Bỏng độ III trở lên: vết bỏng có dạng sáp và màu trắng, cháy đen, màu nâu sẫm, da lở và lồi cơ, bóng nước không vỡ
Người bệnh nên đến khám bác sĩ nếu:
-
Bỏng ở bàn tay, bàn chân, mặt, khu vực nhạy cảm, khớp lớn hoặc diện tích cơ thể lớn
-
Bỏng sâu
-
Bỏng do hóa chất hoặc điện
-
Khó thở hoặc bị bỏng đường hô hấp
-
Có các dấu hiệu nhiễm trùng như dịch chảy ra từ vết thương, đau nhiều hơn, đỏ và sưng
-
Bỏng hoặc có bóng nước lâu lành
-
Sẹo lớn
-
Bỏng xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch yếu hoặc vấn đề sức khỏe mạn tính (như ung thư, bệnh tim hoặc bệnh đái tháo đường).
Điều trị bỏng
Nguyên tắc điều trị bệnh bỏng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bỏng và độ nặng của bệnh.
-
Hầu hết bỏng nhẹ có thể điều trị tại nhà bằng các thuốc không kê đơn hoặc sử dụng cây lô hội và thường lành rất nhanh.
-
Đối với các vết bỏng nghiêm trọng, sau khi sơ cứu ban đầu, người bệnh cần tiếp tục điều trị với thuốc, băng vết thương, trị liệu và phẫu thuật nhằm làm giảm đau, loại bỏ các mô chết, ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm sẹo, phục hồi chức năng và liệu pháp tâm lý.
-
Đối với bỏng nặng, thuốc và các sản phẩm khác có thể hỗ trợ trong việc điều trị bệnh bao gồm:
-
Liệu pháp nước: gồm các kỹ thuật như liệu pháp sương, siêu âm kích thích và làm sạch các mô tổn thương.
-
Truyền dịch: để tránh mất nước và suy cơ quan.
-
Thuốc giảm đau và lo lắng: như morphin và các thuốc chống lo âu vì việc điều trị bỏng có thể gây đau.
-
Kem và thuốc mỡ: giúp giữ vết thương ẩm, giảm đau, ngăn ngừa nhiễm trùng và làm vết thương mau lành.
-
Gạc: giúp tạo ra môi trường ẩm ướt, chống lại nhiễm trùng và giúp vết bỏng mau lành.
-
Dùng thuốc chống nhiễm trùng: kháng sinh tiêm tĩnh mạch.
-
Vắc xin uốn ván: nên chích ngừa uốn ván sau khi bị bỏng
-
Vật lý trị liệu và lao động trị liệu: nếu diện tích vùng bị bỏng lớn, đặc biệt là vết bỏng đi qua khớp, các bài tập vật lý trị liệu sẽ giúp căng da và làm các khớp linh hoạt. Các bài tập khác có thể cải thiện sức mạnh và sự dẻo dai của cơ. Nếu người bệnh gặp khó khăn với các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ sẽ đề nghị lao động trị liệu.
Ngoài ra, đối với vết bỏng lớn, người bệnh sẽ cần các thủ thuật bổ sung khác sau phẫu thuật, từ hỗ trợ thở, đặt ống nuôi ăn dạ dày cho đến phẫu thuật thẩm mỹ để đảm bảo việc chữa lành vết thương, hồi phục chức năng đầy đủ của các cơ quan ảnh hưởng và tái cấu trúc vùng bị ảnh hưởng.
Giải pháp mới chữa bỏng
Thông thường vết da bỏng thường để lại các vết sẹo xấu xí đến suốt đời và tốn rất nhiều thời gian để phẫu thuật. Nhưng với súng bắn da (skingun), việc chữa trị trở nên đơn giản và hiệu quả do thời gian điều trị ngắn, quá trình phục hồi nhanh chóng.
Người bệnh tiên phong
Khi ông Matthew Uram đang làm lính thiết giáp, không may bị bỏng độ hai trên 30% cơ thể trong một tai nạn liên quan đến lửa nhưng ông không chọn chữa theo phương pháp thông thường hiện có mà tiên phong chọn cách chữa trị thí nghiệm bằng súng bắn da tế bào gốc. Chỉ mất bốn ngày, sự lành nhanh chóng của tổn thương bỏng đã chứng minh sự đúng đắn trong quyết định của ông.
Súng hoạt động thế nào?
Dựa trên công nghệ sinh học của Mỹ, các nhà khoa học Canada đã chế tạo thành công loại súng bắn da để phun những tế bào gốc lên vết bỏng hoặc những vết loét mạn tính để đẩy nhanh quá trình chữa lành. Những tế bào trong súng bắn da được lấy từ những tế bào gốc khỏe mạnh của chính bệnh nhân. Tế bào gốc được tách ra từ mẫu vật da và cho vào trong dung dịch nước để làm mềm giúp việc phun được thuận lợi. Máy tính kiểm soát súng bắn da làm việc như bút lông khí, giống như loại các họa sĩ hay dùng, nhưng có sự chính xác hơn. Để sử dụng loại súng này, bác sĩ chỉ cần nạp tế bào gốc vào một ống tiêm, đính kèm nó trên đầu súng, nhắm vào vết thương và kéo kích hoạt. Khi dung dịch được giải phóng nhẹ nhàng, một chùm ánh sáng chiếu sáng mục tiêu và làm cho tế bào gốc chữa lành có thể nhìn thấy được.
Hiệu quả vượt trội của loại súng đặc biệt này
-
Rút ngắn thời gian điều trị: Hiện nay, các vết bỏng sâu được điều trị bằng cách phủ lên tổn thương chất liệu collagen và chờ cơ thể làm nốt phần còn lại, bao gồm cả việc tạo ra các tế bào da cần thiết. Nhưng người bị bỏng nặng thì cơ thể không còn phản ứng hiệu quả như bình thường nên phải thực hiện ghép da với các miếng ghép được tạo ra trong phòng thí nghiệm từ trước. Tuy nhiên, phương pháp này mất nhiều thời gian và rất tốn kém. Với việc sử dụng súng bắn da có thể giảm đáng kể thời gian điều trị khi chỉ cần 90 phút tính từ thời điểm một mẫu da được lấy từ bệnh nhân đến khi tế bào gốc của họ được bắn trở lại vết thương.
-
Độ bao phủ rộng: Trong khi ghép da hiện tại có thể đạt được tỷ lệ 1: 6 giữa khu vực ghép da và vùng tổn thương nhưng các nhà khoa học Đức có thể nâng tỷ lệ lên 1: 100 với súng bắn da.
-
Không bị đào thải: Theo Saeid Amini Nik, nhà sinh học tế bào tại Đại học Toronto, Canada, đối với người bệnh bỏng da diện rộng có thể phải dùng da ghép lấy từ người hiến tặng, nhưng cơ thể người nhận có thể xảy ra hiện tượng thải bỏ mô và hiếm khi có đủ mô của người hiến tặng để bao phủ các vết bỏng lớn. Với súng bắn da có thể giải quyết tình trạng này khi nó có khả năng giữ cho tế bào gốc da sống sót được giữ lại tại tổn thương đến 97.3%.
-
Không gây nhiễm khuẩn hay để lại sẹo: Những tế bào gốc được phun phủ kín tổn thương giúp toàn bộ bề mặt của vết thương được chữa lành đồng thời, rút ngắn thời gian điều trị thay vì cơ chế tự nhiên chữa lành từ các cạnh đến giữa tốn nhiều thời gian hơn gây nguy cơ nhiễm khuẩn, tạo sẹo cao.
Phương pháp này hứa hẹn trong tương lai bệnh nhân bỏng không còn phải lo lắng khi điều trị vừa nhanh, không đau lại không có sẹo. Hy vọng thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
XEM THÊM: