Mục lục [Ẩn]
Dụng cụ tử cung hay còn được gọi là vòng tránh thai đã được rộng rãi trên thế giới từ những năm 1960 để tránh thai. Ban đầu, dụng cụ tử cung được làm bằng chất dẻo và có chứa muối bari. Hiện nay để làm tăng khả năng tránh thai người ta còn thêm vào dụng cụ tử cung các nguyên tố đồng, bạc và cả một số loại hormon nữa. Bài viết hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về phương pháp tránh thai bằng dụng cụ tử cung nhé!
Dụng cụ tử cung là gì?
Dụng cụ tử cung hay vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài nhiều năm. Dụng cụ tử cung có thể được quấn đồng để làm tăng hiệu quả ngừa thai.
Hiện tại dụng cụ tử cung hiện đại nhất là loại vòng có chứa nội tiết progestin (vòng Mirena) được phóng thích dần dần tạo hiệu quả tránh thai rất cao.
Dụng cụ tử cung là một trong những phương pháp tránh thai tạm thời, thường được dùng rộng rãi ở những nước đang phát triển vì đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả. Ở Việt Nam, vòng Multiload và TCu 380 đang được sử dụng rộng rãi. Gần đây, vòng Mirena (dụng cụ tử cung có chứa nội tiết) cũng đã xuất hiện trên thị trường.
Dụng cụ tử cung được chia làm mấy loại?
Phân loại theo hình dạng:
+ Dụng cụ tử cung kín: vòng Ota, vòng Dana…
+ Dụng cụ tử cung hở: Tcu, Multiload…
Phân loại theo cấu trúc:
+ Dụng cụ tử cung không có hoạt chất: Đây là thế hệ đầu tiên, có cấu tạo bằng polyethylen (Dana, Lippes…)
+ Dụng cụ có nguyên tố đồng (vòng Tcu): Có nhiều hình dạng khác nhau. Đồng có hoạt tính sinh học giúp cho dụng cụ tử cung vẫn giữ được hoạt tính trong khi kích thước nhỏ đi. Dùng loại này ít gây đau, ít gây khó chịu hơn nhưng tỷ lệ rơi ra cao hơn so với loại không có hoạt chất. Loại Tcu 380A có thời gian tác dụng kéo dài lên đến 10 năm.
+ Dụng cụ tử cung có chứa progestatif: hình chữ T, trong thân chữ T có chứa hormon progesteron giải phóng từ từ phát huy tác dụng tránh thai. Vòng này có tác dụng trong 5 năm.
Hình ảnh: Một số loại dụng cụ tử cung được sử dụng trên thị trường
Cơ chế tác dụng của dụng cụ tử cung
Cơ chế tác dụng của loại dụng cụ này hiện nay vẫn chưa được sáng tỏ hoàn toàn.
Dụng cụ tử cung gây phản ứng viêm tại chỗ làm thay đổi chức năng của nội mạc tử cung, dẫn đến phản ứng của lysosom lên phôi nang và có hiện tượng thực bào lên tinh trùng.
Người ta còn tìm ra vai trò nữa của dụng cụ tử cung là làm thay đổi hoạt động nhu động của vòi trứng, trứng sẽ về buồng tử cung sớm hơn bình thường, lúc này niêm mạc tử cung không dày để đón trứng làm tổ, nên sẽ có tác dụng ngừa thai.
Đối với dụng cụ tử cung có hoạt chất:
+ Nguyên tố đồng có tác dụng gây độc cho tinh trùng, gây biến đổi mạnh niêm mạc tử cung và làm cản trở trứng làm tổ ở buồng tử cung, làm thay đổi thành phần chất nhầy cổ tử cung, cản trở tinh trùng xâm nhập lên buồng tử cung.
+ Hormon progesteron ảnh hưởng đến nhu động của vòi trứng, chất nhầy cổ tử cung, làm thay đổi tính chất của nội mạc tử cung… Các yếu tố này sẽ gây bất lợi lên quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng.
Hiệu quả tránh thai của dụng cụ tử cung
Đối với loại không có hoạt chất thì hiệu quả tránh thai đạt 95-96%.
Hiệu quả còn cao hơn nữa khi sử dụng dụng cụ tránh thai có hoạt chất, đạt tới 99%.
Ở nước ta hiện nay, đây là phương pháp tránh thai được sử dụng phổ biến với hiệu quả cao và có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế.
Cách sử dụng dụng cụ tử cung
Đặt hoặc tháo dụng cụ tử cung vào lúc mới sạch kinh là thời điểm tốt nhất vì cổ tử cung lúc này đang hé, thao tác dễ dàng và quan trọng hơn cả là chưa có hiện tượng thụ thai.
Không nên đặt dụng cụ tử cung sau đẻ vì tỷ lệ tụt ra là rất cao. Người ta khuyến cáo nên đặt dụng cụ tử cung ít nhất là sau đẻ 8 tuần vừa giảm được tỷ lệ tụt và vừa giảm được tỷ lệ thủng tử cung.
Sau nạo thai hoặc hút thai thì cũng nên đợi hành kinh trở lại 1 lần rồi mới đặt dụng cụ tử cung.
Các loại dụng cụ tử cung có chứa progestatif nên được thay hằng năm.
Chống chỉ định dụng cụ tử cung
Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp:
+ Có thai.
+ Nhiễm khuẩn đường sinh dục.
+ Rối loạn đông máu.
+ Bệnh lý tim mạch.
+ Ung thư cơ quan sinh dục.
Chống chỉ định tương đối trong trường hợp:
+ Buồng tử cung bất thường (u xơ, dị dạng…)
+ Đang được điều trị bằng thuốc chống đông máu
+ Tiền sử nhiễm khuẩn đường sinh dục trên.
+ Tiền sử chửa ngoài tử cung.
+ Chưa có con.
Ưu nhược điểm của dụng cụ tử cung
Hiện nay việc sử dụng dụng cụ tử cung là một biện pháp tránh thai khá phổ biến và tiện dụng. Tuy nhiên, việc đặt dụng cụ tử cung không thể tùy tiện mà phải tuân theo chỉ dẫn của các bác sĩ vì dụng cụ tử cung là một biện pháp tránh thai rất “kén” người sử dụng.
- Ưu điểm: Hiệu quả tránh thai cao, tác dụng lâu dài, dễ dùng, kín đáo, không phụ thuộc lúc giao hợp, không cần tái cung cấp; dễ phục hồi sinh đẻ; có thể sử dụng để tránh thai khẩn cấp nếu đặt dụng cụ tử cung ngay sau khi giao hợp không được bảo vệ.
Nhược điểm:
Không đặt được dụng cụ tử cung cho phụ nữ đang bị viêm âm đạo hoặc viêm nhiễm tiểu khung, phụ nữ chưa có thai; phụ nữ có tiền sử chửa ngoài tử cung.
Có những người không hợp có thể nhiều tác dụng phụ như đau đầu, mệt mỏi, thậm chí viêm nhiễm sau khi đặt dụng cụ tử cung.
Tai biến có thể gặp khi sử dụng dụng cụ tử cung
-
Đau tiểu khung hay gặp do tử cung có cơn co
-
Thống kinh có thể gặp đối với dụng cụ tử cung bất hoạt hay có đồng vì khiến cho nồng độ prostaglandin cao.
-
Rối loạn kinh nguyệt: rất thường gặp và chiếm đến 10-15% số trường hợp bắt buộc phải tháo dụng cụ tử cung trong năm đầu sau khi đặt.
-
Một số biến chứng khác ít gặp:
+ Tụt dụng cụ tử cung
+ Thủng tử cung: rất hiếm gặp.
+ Dụng cụ tử cung chui vào ổ bụng, có thể là vào ổ bụng ngay lúc đặt hay chui dần dần vào trong thời gian sau này.
+ Nhiễm khuẩn sinh dục: đây là biến chứng nặng có thể gây vô sinh.
+ Chửa ngoài tử cung: có thể gặp mặc dù cũng rất hiếm.
Qua bài viết này, chúng ta đã hiểu biết thêm về 1 trong những phương pháp tránh thai quan trọng. Đây là phương pháp rất có ý nghĩa trong kế hoạch hóa gia đình. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề này, mọi người có thể gửi câu hỏi vào hòm thư hoặc liên hệ trực tiếp đến tổng đài tư vấn miễn phí 18001044.
XEM THÊM: